Tia
đất là cái tia gì? Chuyện tìm nước ngầm, hang động và hài cốt của TS Vũ
Văn Bằng có vẻ gì đó rất bí ẩn. Liệu đó có thể là một phát minh mới như
trường hợp “Tia sáng khủng khiếp của kỹ sư Garin” hay tia X của
Roentgen?
Mấy năm gần đây hàng chục tờ báo đã viết về Tiến sĩ Vũ Văn Bằng dùng “tia đất” tìm nước ngầm, hang động và hài cốt. Người ta ca ngợi ông có tài như “ thầy địa lý”, “thầy Tả Ao”, “thầy phù thủy”, “ông thần đất”, nhà phong thủy, nhà ngoại cảm… mặc dù những từ này được dùng trong dấu ngoặc kép.
Được lên chương trình “Người đương
thời” ông càng trở nên nổi tiếng. Là một đồng môn và đồng nghiệp của
ông, nhưng cũng còn là nhà báo khoa học, tôi đặt dấu chấm hỏi hoài nghi
trước đã. Để khách quan, tôi thử xem báo chí viết ra sao, nhưng càng
đọc càng… nhiễu, chẳng hiểu bản chất của cái “tia đất” ấy là gì. Vì vậy,
tốt nhất là” tận mắt chứng kiến công việc của ông và trực tiếp “truy
hỏi” ông.
Phải chăng đã manh nha một phát minh mới?
Tiến hành thực nghiệm tại hội thảo điền dã Hòn La, Quảng Bình. (Ảnh: NNM)
Tôi đã tham gia Hội thảo - điền dã về đề
tài khoa học tìm nước ngầm của TS Vũ Văn Bằng tại Quảng Bình. Chúng tôi
đã đến tận hiện trường Hòn La, nơi TS Vũ Văn Bằng đã tìm ra mỏ nước
ngầm cho khu công nghiệp mới, mặc dù trước đó những phương pháp thăm dò
khác đã thất bại. Hình như các nhà báo có mặt ít để ý đến công bố bốn
điểm của TS Vũ Văn Bằng, trong đó, ông khẳng định đã tìm ra cái được gọi
là “tia đất” kèm theo giả thuyết mới về sự hình thành từ trường Trái
Đất và những ứng dụng thực tiễn của nó.
Nếu đúng như vậy, đây sẽ là một phát minh “có tính đột phá”, tìm ra một dạng tia chưa từng biết đến, tương tự như tia gamma, tia anpha, tia phóng xạ, tia Roentgen, tia laze…?
Công bố bốn điểm của Tiến sĩ Vũ Văn Bằng
1. Phát hiện ra hiện tượng "BỨC XẠ TỪ" của mọi vật thể khi
chuyển động và tiếp xúc, liên quan đến lĩnh vực khoa học cơ bản: vật
lý, hóa và cơ học. Đây là phát hiện mang tính đột phá trong khoa học.
Từ đây có thể mang lại nhiều đổi thay trong lĩnh vực điện từ phát triển
hàng loạt công nghệ đo lường mới và giải thích hầu hết các hiện tượng
tự nhiên chưa biết đến, đặc biệt các hiện tượng được coi là thần bí ...
2. Công bố giả thuyết mới về nguồn gốc từ trường Trái đất
3. Phương pháp địa bức xạ - phương pháp hoàn toàn mới có
phạm vi ứng dụng rất rộng rãi trong lĩnh vực khoa học, đời sống và sản
xuất kể cả nghiên cứu cơ bản
4. Chế tạo thành công máy nhận biết trường bức xạ từ - công
cụ cũng hoàn toàn mới và duy nhất nhận biết được trường này.
Điều này phải được một Hội đồng khoa học quốc gia, thậm chí
tầm cỡ quốc tế thẩm định. Nhưng rõ ràng đây là những công bố thực sự
“gây sốc” và người ta phải đặt câu hỏi phải chăng Vũ Tiến sĩ mắc bệnh
“vĩ cuồng”? |
Sau cuộc hội thảo, tôi tìm gặp ông chỉ nhằm nghe ông giải thích xem bản chất cái “tia đất” là gì. Trước hết, tôi bảo, cái tên gọi “tia đất”
ấy của ông dường như quá “nôm na mách qué”, chẳng mang nội hàm khoa học
gì. Hơn nữa, chính bản thân ông đã gọi tia này nào là địa bức xạ, nào
là địa bức xạ từ, nào là bức xạ từ, trường địa bức xạ, thậm chí ông còn
nói với báo chí nào là tia tốt, tia xấu nữa.
Vũ Văn Bằng công nhận, cái tên “tia đất” đúng là chưa chứa đựng được nội dung khoa học của nó, nhưng vì đã trót dùng quen rồi và do nghe có vẻ dân dã nên cũng dễ gây hiểu nhầm.
Ông nói, nếu dùng thuật ngữ khoa học thì đó là “Bức xạ từ động thứ cấp bậc hai”. Thuật ngữ này chưa có trong các từ điển khoa học vì nó là một khái niệm hoàn toàn mới. Đó là một hiện tượng vật lý xuất hiện khi và chỉ khi vật chất chuyển động hoặc có sự tương tác giữa các môi trường khác nhau tiếp xúc với nhau.
Lấy thí dụ như một khối nước ngầm chảy trong các tầng đất đá, dòng chảy
ấy gây ra áp suất tác động lên các tầng đá; trong nước luôn xảy ra
những phản ứng hoá học gây ra nhiệt, sự ma sát cũng sản ra nhiệt và
điện. Tổng hợp mọi tác động như vậy sản sinh ra điện và từ trường. Từ
trường ấy gây ra bức xạ từ.
Tia bức xạ từ này hoàn toàn chưa được
nhắc đến trong bất kỳ văn liệu khoa học, vì vậy ông cả quyết đó là một
phát hiện có tính đột phá. Ông tự tin rằng đây là một hiện tượng tự
nhiên chưa được biết tới, có liên quan đến cả vật lý, hóa học và cơ học.
Từ khái niệm ấy, Vũ Văn Bằng đã xây dựng một giả thuyết hoàn toàn mới khác hẳn giả thuyết “đinamô”
vẫn thống trị trong khoa học về nguồn gốc từ trường Trái Đất, mà là do
chuyển động và ma sát của các vành đai vật chất lỏng xoay quanh lõi cứng
mà ra. Để đưa đến giả thuyết này, ông đã tiến hành thử nghiệm mô hình
tương thích và giải quyết được ba vần đề liên quan là:
1) Trục của từ trường Trái Đất luôn luôn thay đổi và không bao giờ trùng với trục địa lý;
2) Hiện tượng đảo cực từ (chừng 1 triệu năm một lần)
3) Hình ảnh nam châm lưỡng cực không
phải là dạng “thỏi” như người ta hình dung (như viết trong sách giáo
khoa) mà là hình ảnh “quả cầu” từ.
Như vậy, Vũ Văn Bằng không chỉ sử dụng những khái niệm vật lý đã có để ứng dụng vào phương pháp dùng “tia đất” của ông mà có thể nói ông đang xây dựng một “học thuyết” mới.
Tôi nghĩ và nói với Vũ Tiến sĩ rằng,
phát hiện của ông rất ấn tượng, nhưng hầu như mới ấn tượng đổi với người
ngoại đạo như các nhà báo thôi, còn các nhà khoa học vẫn chưa thấy,
chưa biết gì về cái tia bí ẩn này. Ông Bằng công nhận ngay, nhà địa vật
lý đầu ngành Ngô Văn Bưu khi nghe ông thuyết trình cũng lắc đầu chịu,
không biết phải phản biện như thế nào.
Từ phương pháp luận cho đến cách trình
bày của ông đều không có gì khoa trương cả. Tôi cho rằng, đây là vấn đề
hết sức mới mẻ, nhưng để chứng minh được nó, có lẽ cần có sự hợp tác
nghiên cứu của các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực như vật lý, hóa học,
cơ học và phải tiến hành thực nghiệm rộng rãi hơn nữa. Những kết quả đó
phải được công bố trên các tạp chí khoa học thế giới, chứ không phải chỉ
trên các trang báo trong nước như hiện nay. Biết đâu, từ ý tưởng này,
khoa học Việt Nam có thể cống hiến với nhân loại một phát minh mới.
Thành công một sáng chế công nghệ độc đáo
Nếu như hai điểm đầu trong công bố của
TS Vũ Văn Bằng là những vấn đề còn để ngỏ thì điểm thứ tư có thể coi như
một thành công đã được thực tế kiểm nghiệm.
TS Vũ Văn Bằng. Ảnh: NNM.
Tôi đã cùng các nhà báo thuộc Diễn đàn Các nhà báo môi trường Việt Nam
tham gia cuộc khảo sát điền dã tại vùng đất Hòn La, Quảng Bình. Đây là
nơi đã mở khu kinh tế và cảng biển, nhưng hầu như là một hoang mạc. Cung
cấp nước cho khu kinh tế này là một vấn đề quan trọng hàng đầu. Sở Tài
nguyên và Môi trường Quảng Bình đã mời các đơn vị khảo sát trong và
ngoài tỉnh đến thăm dò và khoan, nhưng đều thất bại. TS Bằng đã dùng
phương pháp mới trong một thời gian ngắn đã xác định được tầng chứa nước
trong các khe nứt đá phun trào riolit (vốn không thể chứa nước). Trong
số 13 giếng khoan, trữ lượng lượng nước vượt yêu cầu không những cho
cảng biển mà còn cho cả khu tái định cư gần đó.
Đấy mới chỉ là nơi chúng tôi được tận mắt thấy. Trong thực tế, TS Bằng đã phát hiện hàng ngàn giếng khoan nước ngầm từ
miền núi phía Bắc đến Bà Rịa- Vũng Tàu và các hải đảo. Cũng như chúng
tôi, TS Nguyễn Văn Túc, một chuyên gia về địa chất thủy văn, khi xem
chương trình “Người đương thời” đã thốt ra “Nó (cách xưng hô bỗ bã của bạn đồng môn) bốc phét đấy!”, nhưng đến nay đã phải “tâm phục khẩu phục” và trở thành người cộng tác đắc lực với TS Bằng.
Chúng tôi đã được xem TS Bằng “biểu diễn”
sử dụng công cụ mới do ông sáng chế BTX-09 để tìm ra nguồn nước. Đó là
một thiết bị nhỏ gọn, gồm một khung kim loại như một cảm biến lắp trên
một trục quay gắn với chiếc hộp nhỏ. Dựa vào góc quay và cường độ đo
được lực từ thứ cấp, ông có thể đưa ra các thông số về chiều sâu, lưu
lượng nước.
Để sáng chế ra được thiết bị này là cả
một chặng đường tìm tòi vòng vo. Vốn là nhà địa chất công trình, tốt
nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội, ông sang làm luận án phó tiến sĩ về nền
móng công trình ở Ba Lan. Tại đây tình cờ làm quen với một khái niệm
mới là “tia đất” ảnh hưởng đến sức khỏe và bệnh tật con người,
dường như có liên quan đến thuyết phong thủy của phương Đông. Vũ Văn
Bẳng bèn bắt tay vào nghiên cứu phong thủy và ứng dụng thuyết này vào
việc xây dựng và thiết kế nội thất để bảo vệ sức khỏe người sử dụng. Tuy
nhiên, ông thấy kết quả còn rất mơ hồ, vì chưa “tóm bắt” được thủ phạm gây ra tác động xấu là gì.
Về nước, Bằng tham gia vào dự án xây
dựng hồ treo ở miền núi đá vôi Hà Giang. Để hồ giữ được nước, vấn đề
quan trọng hàng đầu là phải phát hiện các hang động ngầm cacxtơ. Là một
chuyên gia địa chất, dĩ nhiên ông biết rõ các phương pháp địa vật lý
truyền thống trong thăm dò lòng đất.
Nhưng lúc này cái “tia đất” vẫn
ám ảnh ông và ông chợt nghĩ đến những phương pháp phi truyền thống lưu
truyền hàng ngàn năm nay ở nhiều dân tộc trên thế giới. Đó là phương pháp dò tìm mỏ và nước ngầm rất đơn giản bằng hai chiếc que hay hai thanh kim loại.
Ngày nay ở nhiều vùng châu Phi người dân vẫn còn sử dụng phương pháp
này, trong khi thế giới văn minh dè bỉu đó là trò mê tín, lừa bịp. TS
Bằng lại cho rằng sự thể này có cái lý của nó, cũng như việc người ta
dùng lá lẩu chữa bệnh vậy.
Trong những ngày bám sát công trình, ông
thử chế tạo một thiết bị như chiếc chong chóng để đi dò nguồn nước và
hang động. Kết quả, ngoài sự mong đợi của chính ông, không những ông
phát hiện được những khe nứt, hố cacxtơ ngầm mà cả những nơi thợ đổ bê
tông ẩu. Vũ Văn Bằng mừng lắm, như tìm ra một hướng đi mới. Nhưng thiết
bị của ông quá thô sơ, không đủ độ tin cậy. Bằng bèn bỏ ra hàng trăm
triệu đồng để mua máy đo địa từ hiện đại BPT-2010 dùng trong nghiên cứu
công nghệ sinh - vật lý do Đức chế tạo. Loại máy này đo được đơn vị
nanotesla. Nhưng đem về ứng dụng không đạt kết quả.
Từ đó ông cho rằng, cái “tia đất” bí ẩn ấy không hẳn là địa từ thông thường mà khoa học đã biết. Điều đó lại thúc đẩy ông đi tìm bản chất của một dạng “tia” hoàn toàn mới, mà ông gọi là “bức xạ từ động thứ cấp bậc hai”.
Để ghi được loại tia này phải có một thiết bị hoàn toàn mới phù hợp với
nó. Từ chiếc chong chóng đơn giản, trải qua nhiều thực nghiệm, Bằng đã
sáng chế ra được thiết bị BXT-09, chính là thiết bị khuếch đại được
những tín hiệu phát ra từ lòng đất, nơi tiếp xúc giữa các môi trường vật
chất khác nhau.
TS Bằng giải thích sự khác biệt của
phương pháp này như sau: Hầu hết các phương pháp địa vật lý hiện đại như
phương pháp điện, phương pháp địa chấn, phương pháp từ…đều dùng tác
động từ bên ngoài tới đối tượng, để đối tượng đó phản xạ lại, như vậy
máy chỉ đo được một cách gián tiếp. Trong khi phương pháp mới là tự nơi
có sự tiếp xúc, vận động “đánh tiếng” lên để máy ghi nhận và khuếch đại hiển thị cho ta thấy.
Cho dù lý thuyết của ông có được chấp
nhận hay không thì cũng khó có thể phủ nhận thực tế là với chiếc máy gọn
nhẹ TS Bằng đã đạt được những thành công trong việc tìm nước ngầm, hang
động (và cả các hài cốt nữa?).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét