Thứ Tư, 6 tháng 6, 2012

Trương Quốc Dụng - Nhà chiêm tinh học có công chấn hưng khoa làm lịch Việt Nam thời Nguyễn

Tết đến nhà ai cũng cần có một cuốn lịch mới. Từ lâu nhiều người nghĩ rằng Âm lịch Việt Nam chỉ là một bản sao của lịch Tàu. Qua nghiên cứu thì không hẵn như thế. Các nhà chiêm tinh Việt Nam cũng đã góp phần làm nên Âm lịch Việt Nam cho người Việt Nam hoàn chỉnh hơn lịch tàu.
Đại học sĩ Trương Quốc Dụng (1797–1864) là đại danh thần Việt Nam thời nhà Nguyễn, một trí thức lớn trưởng thành từ khoa bảng, tài kiêm văn võ, được sử sách ghi là một danh tướng, nhà Thiên văn học, nhà văn Việt Nam, nhà sử học, nhà cải cách, đặc biệt là một tấm gương đạo đức sáng ngời. Ông là người chủ biên bộ Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục, là tác giả biên soạn bộ lịch Việt Nam thời Nguyễn ...

Trương Quốc Dụng - vị đại danh thần trong lịch sử Việt Nam



Trương Quốc Dụng (1797–1864) là người làng Phong Phú, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hồi nhỏ tên là Khánh, tự Dĩ Hành, Nhu Trung, hiệu Phong Khê. Thuở nhỏ, Trương Quốc Dụng nổi tiếng thông minh, chăm chỉ, ham mê sách vở và có tài văn chương. Dưới triều Minh Mạng, năm 1821, ông thi đỗ Tú tài. Năm 1825, ông thi đỗ Cử nhân, và đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1829). Ông làm quan liên tiếp dưới 3 đời vua nhà Nguyễn là: Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, tổng cộng ngót 30 năm, trải qua nhiều thăng - giáng: Tri phủ Tân Bình, Hình bộ Lang Trung, Án sát Quảng Ngãi, Hưng Yên, Tả Thị lang các bộ Lễ, Lại, Công, Hình; Tham tri các bộ Công, Binh, Hộ; chủ khảo một số khoa thi, Thượng thư Bộ hình, Thống đốc Hải An quân vụ, Tổng tài Quốc sử quán, Hiệp biện Đại học sĩ... Ông được người đời đánh giá là vị quan tài cao, đức trọng, học rộng, biết nhiều, công chính thanh liêm, tính tình ngay thẳng, không ưa nịnh bợ, chạy chọt.

Và những đóng góp cho ngành chiêm tinh - thiên văn học

Thời xưa, Khâm Thiên Giám là cơ quan giữ việc liệu đoán khí hậu, suy tính độ mặt trời, mặt trăng, ngôi sao, nghiệm tượng trời để dạy bảo dân thì giờ làm ăn, biên soạn lịch. Khâm thiên giám còn có chức năng xem ngày cho mọi việc như hôn nhân, tang ma, tế tự, xây dựng công trình, Hoàng đế tuần du v.v. cho Hoàng gia. Do đó các quan chức trong giám đều là những nhà lý số giỏi nhất của Việt Nam thời bấy giờ. Trương Quốc Dụng không những là người cai quản cơ quan Khâm thiên giám, mà ông còn là một nhà thiên văn học, một người thầy đào tạo ra những nhà làm thiên văn cho xứ sở hồi đầu nửa sau của Thế kỷ XIX.

Đại Nam Thực Lục Chính biên- bộ sử biên niên của Quốc sử quán triều Nguyễn, có ghi:
Năm Đinh tỵ, Tự Đức năm thứ 10 (1857), mùa xuân, tháng giêng.
“Trương Quốc Dụng hết hạn nghỉ về để tang, chuẩn bổ làm Tả tham tri bộ Binh, sung làm nhật giảng quan ở Kinh diên kiêm coi Khâm Thiên Giám." (Tập XXVIII, tr.309).
Sau 3 năm (1857-1860) kiêm coi Khâm Thiên Giám, đến năm 1860, từ chân Thượng thư bộ Hình, ông chính thức được bổ nhiệm “chuyên quản” Khâm Thiên Giám. Sử biên niên của triều Nguyễn lại ghi tiếp:
Năm Canh thân, Tự Đức năm thứ 13 (1860), mùa thu, tháng 9.
“Chuẩn cho Hiệp biện đại học sĩ lãnh Thượng thư bộ Lễ là Phan Thanh Giản sung chức Quốc sử quán tổng tài. Thượng thư bộ Hình là Trương Quốc Dụng chuyên quản công việc Khâm Thiên Giám. (Trước Dụng kiêm biện Khâm Thiên Giám)." (Tập XXIX, tr. 149).
Trương Quốc Dụng đảm nhiệm công việc của Khâm Thiên Giám được 2 năm, đến tháng 5 năm Nhâm tuất, Tự Đức năm thứ 15 (1862), ngoài các tỉnh đông bắc (Hải Yên) có giặc, nhiều tỉnh thành bị huy hiếp, triều đình kén tướng giỏi đi dẹp giặc, ông được chọn “làm Tổng thống Hải Yên quân vụ đại thần”. Ông rời Khâm thiên giám, khoác nhung y ra trận. Như vậy trước sau ông làm việc ở Khâm Thiên Giám triều Nguyễn 5 năm.

Mới đây, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nhờ tham khảo tư liệu của triều Nguyễn và các sách sử về Lịch của Trung Quốc đã đánh giá về con người và công lao của Trương Quốc Dụng đầy đủ hơn. Trong bài giới thiệu tiểu sử của Tiến sĩ Trương Quốc Dụng, các tác giả sách Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn viết:
“Ông (Trương Quốc Dụng) tính tình điềm tĩnh, học rộng lại đọc nhiều sách ngoài văn chương cử nghiệp. Sở học của ông cũng đóng góp được nhiều cho văn hoá nước nhà đương thời. Ví như lối làm lịch ở nước ta các đời trước cứ theo lịch Đại Thống ở Trung Hoa mà làm rồi ban ra cho dân gian hơn 300 năm nay mà không hề sửa chữa. Về sau loạn lạc thất truyền nên lắm chỗ sai lầm. Khi ông trông coi Khâm Thiên Giám mới tham cứu sách Đại lịch tượng khảo đời Khang Hy nhà Thanh và các sách Tây Phương, từ đó làm lịch rất tinh tường. Hồi ấy, các giáo sĩ Tây Phương so sánh thấy nhật nguyệt thực của lịch ta làm ra chính xác hơn lịch của Trung Hoa.”

Bộ sử viết về các nhân vật triều Nguyễn - bộ Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhị tập, tại quyển 29, có đoạn viết (bản dịch) như sau:
“Quốc Dụng là người trầm tĩnh, dẫu làm quan chưa từng rời quyển sách, người đều suy tôn là học rộng. Tương truyền là nhà làm lịch bị thất truyền, Quốc Dụng làm quản lĩnh Khâm thiên giám hàng ngày truyền dạy cho, đến nay mới nối được nghề học ấy”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân trong sách Đại học sĩ Trương Quốc Dụng cũng đã viết rằng:
"Trương Quốc Dụng là một nhà thiên văn học, một người thầy đào tạo ra những nhà thiên văn học cho xứ sở nữa đầu thế kỷ XIX. Với tư cách là một nhà thiên văn học có công truyền dạy, chấn hưng khoa làm lịch Việt Nam thời Nguyễn. Tên ông Trương Quốc Dụng còn đáng được ghi vào danh sách các nhà thiên văn học Việt Nam. Và cũng có thể tôn vinh ông là một trong các vị hậu tổ của khoa làm lịch Việt Nam."

Tài liệu qua các thời kỳ khẳng định Trương Quốc Dụng là người thầy, là nhà thiên văn học, người chấn hưng khoa làm lịch Việt Nam thời Tự Đức. Thời gian Trương Quốc Dụng đứng đầu cơ quan Khâm Thiên Giám nhằm vào thời gian triều đình Huế chuẩn bị xây dựng Khiêm Lăng (lăng vua Tự Đức). Theo nhà nghiên cứu Mai Khắc Ứng, “để có thể khởi công xây dựng Khiêm cung vào năm Tự đức thứ 17 (Giáp Tý - 1864), thì công việc chuẩn bị như xác định địa điểm, quy mô, phương hướng, đo đạc, thiết kế, tập kết vật tư, dự kiến điều động nhân lực, tổ chức bộ máy điều hành thi công... cho một công trình xây dựng trọng đại, mang tầm thế kỷ của quốc gia như thế ắt phải tiến hành trước đó vài ba năm (tức 1861-1863).
Trong thời gian vài năm đó “Trần Tiễn Thành, Thượng thư Bộ Công, Trương Quốc Dụng, Thượng thư Bộ Hình kiêm quản Khâm Thiêm giám, là những vị đại thần có mặt trong thời gian chuẩn bị đó, lẽ nào lại đứng ngoài cuộc? Liệu Trương Quốc Dụng có phải là một trong những người đã tìm ra “cát địa” để xây dựng lăng Tự Đức như ta còn thấy ngày nay hay không?

Ngày 31 tháng 7 năm 2009, khu lăng mộ và đền thờ Trương Quốc Dụng ở xã Thạch Khê (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Tên ông cũng được đặt cho một con đường ở Quận Phú Nhuận Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên bị ghi sai thành Trương Quốc Dung.







Đền thờ Đại Học Sĩ Trương Quốc Dụng tại Thạch Khê, Thạch Hà, Hà Tĩnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét