Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Dòng họ Lê Hữu Trác: Chuyện ngôi mộ phát tích

12181208515_LanO

Tác giả: Vũ Lê
Nguồn: www.bee.net.vn
Ngôi mộ thiên táng
Theo gia phả dòng họ Lê  Hữu, Lê Hữu Dụng là đời thứ bảy, làm tư trưởng có quen với một người ở xã  Bình Lao, huyện Cẩm Giàng, hiệu là Đồ Cẩm, có hiểu biết về địa lý. Nhân một lần Đồ Cẩm đến nhà bạn chơi, thấy cảnh nhà bần bạc liền hỏi nguyên cớ. Lê Hữu Dụng tỏ vẻ băn khoăn: "Dòng họ nhà tôi mấy đời nay học hành cũng khá nhưng đi thi lại không đỗ đạt. Không biết có phải do mồ mả?". Nghe thế, Đồ Cẩm nhận lời: "Sẽ tìm đất cải táng ngôi mộ tổ, sau này tất sẽ phú quý".
a
Ngôi mộ thiên táng phát tích của dòng họ Lê Hữu.
Y hẹn, Đồ Cẩm quay trở lại nhà bạn. Vì chưa mua được tiểu sành, Đồ Cẩm bảo chỉ cần lấy cái nồi đất miệng rộng ("thổ oa đại khẩu") thay cho tiểu sành cũng được, rồi cùng nhau ra đồng cải táng ngôi mộ cho cụ Vũ Thị Yêm, vợ cụ tổ đời thứ sáu Lê Tất Thắng. Khi mọi người chuẩn bị mang hài cốt đến nơi cải táng thì trời bắt đầu nổi gió, mây đen kéo đến, mưa như trút nước nên không thể đi chôn được. Mọi người bèn bàn với nhau sẽ để tạm hài cốt ở ria lũy tre làng để sớm mai đem chôn.
Thế nhưng sáng hôm sau, khi mọi người ra đến nơi thì thấy đất đã lấp kín nồi hài cốt. Đồ Cẩm bảo: "Ngôi mộ đã được đặt vào nơi có thế đất hình Thiên mã, có ngựa lớn, ngựa nhỏ chầu về, trong thì  có Thượng thư án, ngoài có Kim Quy ngưỡng ngọa. Từ nay, dòng họ sẽ đinh tài lưỡng vượng, học hành đỗ đạt cao, trở thành dòng họ quý tộc chí bách dư niên" (có nghĩa sẽ kết phát trên một trăm năm).
Dòng họ khoa bảng
Lời tiên tri của ông Đồ Cẩm đã sớm trở thành hiện thực khi người con cả của Lê Hữu Dụng là Lê Hữu Thời đi thi Hương đỗ nhất Cử, thi Hội đỗ Tam trường, được bổ làm tri huyện huyện Chí Linh. Người con thứ tư Lê Hữu Danh (1642 - ?) đỗ Nhị Giáp Tiến sĩ (tức Hoàng Giáp) khoa Canh Tuất (1670). Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ. Khi mất, ông được tặng chức Tả thị lang, tước Văn Uyên bá.
Kế đó, ba người con của Lê Hữu Danh là Lê Hữu Hỷ, Lê Hữu Mưa, Lê Hữu Kiều và hai người cháu nội là Lê Trọng Tín, Lê Hữu Dụ (*) đều đỗ tiến sĩ.  Đặc biệt, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (con Tiến sĩ Lê Hữu Mưu) được suy tôn là đại danh y Việt Nam. Những bài thuốc và quan điểm chữa bệnh cứu người của ông vẫn còn sáng mãi với thời gian.
Như vậy, trong lịch sử, dòng họ Lê Hữu ở Liêu Xá đã đóng góp cho dân tộc 6 vị tiến sĩ, 5 giải nguyên, 20 cử  nhân, 20 tú tài, 1 quận công, 1 tước hầu... Đúng là dòng họ quý tộc "chí bách dư niên".
(*) Trong một số tài liệu ghi là Lê Hữu Dụng, nhưng theo gia phả họ Lê thì ông tên là Lê Hữu Dụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét