Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Nguời Việt Nam vẽ kiểu và xây thủ đô Bắc Kinh


LÊ THANH HOA

Bắc Kinh trở thành thủ đô của nước Tầu từ năm 1420. Du khách viếng Trung Hoa từ  hơn 500 năm qua đều hết lời khen ngợi kiến trúc độc đáo của thủ đô này. Tác giả công trình kiến trúc thủ đô Bắc Kinh ấy là người Việt Nam: Nguyễn An
Bài viết này gồm các tiết mục:
1.      Sơ lược giai đoạn lịch sử Tầu Việt.
2.      Từ Yên kinh đến Bắc Kinh.
3.      Nguyễn An là ai?
4.      Công trình kiến trúc thành Bắc Kinh.
I. SƠ LƯỢC GIAI ĐOẠN LỊCH SỬ:
A: SỬ TẦU:
Sau khi đánh bại nhà Nguyên, Chu Nguyên Chương lập nên nhà Minh từ năm 1368 và tồn tại được 277 năm (đến năm 1644).
Chu Nguyên Chương (Thái Tổ) làm vua từ 1368 đến 1398 bị bệnh mất, lập cháu nội đích tôn là Chu Doãn Văn làm hoàng đế (Huệ Đế). Các người con khác của Minh Thái Tổ không phục vị hoàng đế trẻ này nên cử binh tranh ngôi. Triều thần hợp sức giúp Huệ Đế trừ được hầu hết các ông chú của vua trẻ là Chu vương Chu Túc, Tề vương Chu Loại Chi, Tương vương Chu Bách, Đại vương Chu Quế, Đàn vương Chu Tiện. Chỉ trừ Yên vương Chu Đệ, một thế lực mạnh nhất, là còn tồn tại.

Chu Đệ là người như thế nào?
Là con thứ tư của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cùng Mã hậu, Chu Đệ sinh năm 1360, tướng mạo tuấn vĩ, đặc biệt có bộ râu rất đẹp. Được phong làm Yên vương vào năm Hồng Vũ thứ 3 (năm 1370), lúc ông mới được 10 tuổi nhưng phải đơị đến năm 20 tuổi (1380) mới được lãnh đất phong, chính thức trấn giữ Yên kinh (tên cũ của Bắc Kinh).
Chu Đệ nhanh trí, đa mưu, anh dũng quyết đoán, biết trọng hiền đãi sĩ, được thủ hạ kính phục và suy tôn. Chiến công mà vua cha khen ngợi không tiếc lời diễn ra vào năm Chu Đệ 30 tuổi. Bấy giờ Chu Đệ cùng Tấn vương Chu Phong được lệnh cất quân đánh Thái úy Nãi Nhi Bất Hoa (Mông Cổ). Trong lúc Tấn vương chần chừ vì sợ, một mình Chu Đệ dẫn quân vượt cửa Cổ Bắc, tiến thẳng đến Di Đô Sơn. Nhờ Đệ biết lợi dụng thời cơ xuất quân tấn công trong lúc tuyết băng phủ kín đất trời, đã khiến Nãi Nhi Bất Hoa trở tay không kịp, phải nộp thành đầu hàng.
Khi vua cha băng hà, biết Huệ Đế muốn tóm thâu quyền bính về một mối, Chu Đệ giả điên nhưng trong bóng tối âm thầm củng cố binh lực, chờ cơ hội. Khi nhà vua trẻ phải đối đầu với nhiều thế lực, kinh thành lúc nào cũng rối loạn. Chu Đệ giương cờ bình nạn, lấy danh nghĩa thảo phạt gian thần ngay từ tháng 10 năm 1399 (năm đầu tiên của vua Huệ Đế, niên hiệu Kiến Văn), nhưng kỳ thật là dấy binh làm loạn, cướp ngôi vua từ tay cháu của mình. Đến năm 1402 , Chu Đệ tiến quân thẳng vào kinh đô, bức Huệ Đế phải phóng hỏa thiêu hủy cung điện.
Chu Đệ chính thức lên ngôi vào tháng 6 năm 1402, xưng là Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc).
Trong 4 năm khởi loạn, nhờ đám thái giám của Huệ Đế vốn không phục quan lại triều đình trở cờ nội gián, Yên vương Chu Đệ biết rõ nội tình ở kinh đô, một yếu tố then chốt để quyết định thắng bại. Chu Đệ biết ơn đám thái giám này và trọng dụng họ.
Trong số những thái giám được trọng dụng có Nguyễn An, người Việt Nam. Nguyễn An được Minh Thành Tổ Chu Đệ giao cho trách nhiệm chỉ huy công trình xây dựng kinh thành Bắc Kinh từ năm 1404 và mãi đến 17 năm sau (1420) mới hoàn tất.
 
B- VIỆT SỬ:
Khi Minh Thành Tổ Chu Đệ lên ngôi, Hồ Hán Thương cử sứ sang mừng, nhân thể xin nhà Minh phong tước cho. Vua nhà Minh cử Dương Bột sang sứ nước ta phủ dụ, và phong cho Thương làm An Nam quốc vương. Từ đấy, sứ thần nhà Minh sang nước ta thường xuyên, chủ yếu là hạch sách, đòi cống nạp, giữ phận chư hầu. Trong số cống nạp, theo lệ, nhà Minh bắt xứ ta phải nạp cho họ các hạng người tài giỏi.
Đúng vào năm Nguyễn An lãnh nhận việc xây dựng thành Bắc Kinh (1404), Hồ Hán Thương sai Phan Hòa Phủ đi sứ sang chầu nhà Minh, dâng voi làm lễ cống.
Vì cha của Hán Thương là Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần nhưng cha con họ Hồ khéo che dấu, ban đầu bịt mắt được sứ nhà Minh nhưng sau triều Minh đã biết rõ thực hư, muốn gây việc binh đao.
Vào mùa xuân năm 1405, Minh Thành Tổ sai sứ sang nước ta đòi lại đất mà họ nói là ta đã chiếm của họ. Nguyên trước đây khi Hồ Quý Ly mới cướp ngôi, Hoàng Quảng Thành, thổ quan châu Tư Minh, tâu với vua Minh rằng Lộc Châu nguyên là đất cũ của châu Tư Minh, bị An Nam lấn chiếm. Vua Minh cho sứ sang đòi đất này nhưng Quý Ly không nghe. Đến nay (1404), Minh Thành Tổ lại sai sứ sang ta đòi lại đất ấy. Bấy giờ cha con Quý Ly sai Hành khiển Hoàng Hối Khanh làm cát địa sứ (sứ thần có trách nhiệm cắt đất). Hối Khanh bèn cắt đất của 59 thôn ở Cổ Lâu dâng cho nhà Minh.
 
II. TỪ YÊN KINH ĐẾN BẮC KINH:
Hai cha con Chu Nguyên Chương và Chu Đệ đều lấy đất dấy nghiệp đặt làm kinh đô.
Cha thì chọn Nam Kinh (nay thuộc Giang Tô), vốn là cố đô của Lục triều và Nam Đường xưa kia, làm kinh đô. Với Chu Nguyên Chương, biến cố năm 1356 khi ông đem quân đánh chiếm Nam Kinh, tỏ lộ chí lớn cho bàn dân thiên hạ biết, tự xưng là Ngô Quốc Công. Từ đây, Nam Kinh trở thành đại bản doanh để ông phát triển lực lượng, từ đó dựng nên nghiệp đế. Nam Kinh được làm thủ đô nhà Minh ngót 50 năm.
Con thì chọn Yên kinh bởi vì đây là đất phong của Chu Đệ. Từ đây lực lượng chủ lực của Chu Đệ được hình thành. Chiến công diệt Mông hiển hách của Chu Đệ cũng được xuất phát từ địa bàn này và qua mấy chục năm liền khổ công vun đắp, không còn nơi nào sánh bằng. Thứ đến, việc Chu Đệ dời đô về Yên kinh còn có chủ đích làm giảm thế lực của Huệ Đế, vị vua trẻ mới bị mất ngôi và không biết sống chết như thế nào. Cuối cùng, ở vào giai đoạn lịch sử này, Tầu còn đang phải đối đầu với Mông Cổ ở phương Bắc, Nam Kinh nằm xéo về phía Nam trong khi Yên kinh nằm về phương Bắc nên có nhiều ưu thế hơn.
Muốn dời đô, trước hết phải di dân. Đó là việc Chu Đệ làm trước hết, ngay sau khi lên ngôi. Vào năm 1403, đổi Yên kinh thành Bắc Kinh. Đến năm 1404 giao cho Nguyễn An làm tổng kiến trúc sư xây dựng thủ đô Bắc Kinh đến 17 năm sau (1420) mới hoàn tất. Từ đó đến nay Bắc Kinh luôn được chọn làm thủ đô của nước Tầu. (Cụm từ “kiến trúc sư” thật ra chỉ mới có kể từ khi giao tiếp với Tây Phương, vào thời khởi công xây thành Bắc Kinh, Nguyễn An là người vẽ kiểu và chỉ huy công việc xây cất.)
Nguyễn An trở thành thái giám từ lúc nào?
Muốn tìm hiểu nhân vật đặc biệt này, trước hết hãy lược qua về lịch sử hoạn quan triều Minh, một lực lượng mà các sử gia Trung Hoa đánh giá là đông hơn cung tần mỹ nữ. Một câu nói của vua Khang Hy đời Thanh thường được các nhà nghiên cứu trích dẫn, ghi rằng: “Thời Minh có chín nghìn cung nữ thì nội giám có tới mười vạn người, ăn uống không đủ nên có người bị chết đói.”
Theo sử sách Trung Hoa, hoạn quan có mấy nguồn gốc như sau:
  • Những tội phạm chịu nhận hình phạt bị thiến bộ phận sinh dục.
  • Triều đình chủ trương tìm các thanh thiếu niên tuấn tú của các chư hầu bắt về thiến để dùng làm hầu cận ở hậu cung.
  • Một số người tự thiến để được vào cung (từ khi hoạn quan lên hương, được trọng dụng).
     
III. NGUYỄN AN LÀ AI?
Minh sử có ghi rằng vào những năm cuối của Minh Thái Tổ và mấy năm đầu của Minh Thành Tổ, Trương Phụ thường đi sứ sang nước ta. Phụ bắt triều đình nhà Hồ phải cống nạp những người tài và nam nhân tuấn tú. Phụ đem những người này về Tầu bắt phải bị thiến để sung vào lực lượng hoạn quan. Những hoạn quan gốc Việt Nam do Trương Phụ bắt về nổi tiếng có Phạm Hoằng, Vương Cẩn, Nguyễn An, Nguyễn Lăng.
Tài của Nguyễn An sẽ được đề cập sau. Trong số những người đặc biệt ấy, có người được vua Anh Tông nhà Minh tặng biệt danh “Bồng Lai Cát Sĩ”. Sách chép rằng Phạm Hoằng nhã nhặn, bình tĩnh, thanh nhã, có văn tài, thông tuệ hơn người. Thành Tổ rất thích, biết Hoằng có thể đào tạo được, phá lệ cho Hoằng đọc sách trong cung. Sau Hoằng phục vụ mấy đời hoàng đế, hết thảy các đế đều sủng ái. Anh Tông là người sủng ái Hoằng nhất, đã tặng Hoằng biệt danh siêu phàm thoát tục: “Bồng Lai Cát Sĩ”.
Trong sách “Thủy Động Nhật Ký” của Diệp Thịnh thời Minh có viết: “Nguyễn An cũng gọi là A Lưu, người Giao Chỉ, thanh khiết, giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc. Trong các công trình xây dựng kinh thành Bắc Kinh và 9 cửa lầu, 2 cung 3 điện, 3 phủ 6 bộ đều có nhiều công lao to lớn.”
Sách “Chính Thống Thực Lục” đời Anh Tông ghi: “Ngày 10 tháng 2 năm Chính Thống thứ 6 (1441), 2 cung 3 điện hoàn thành, vua ban thưởng cho Nguyễn An 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấm lụa, một vạn quan tiền.”
Minh Sử cũng ghi: “Nguyễn An người Giao Chỉ, đầu óc minh mẫn, kỹ thuật tài giỏi hơn người, vâng mệnh vua Thành Tổ xây dựng thành trì, cung điện và các dinh thự của các phủ, bộ, mắt đo bụng nhẩm tính toán đâu vào đó, kết quả đều đúng kế hoạch dự trù, Công bộ chỉ biết tuân theo đó mà chấp hành.”
Sách Kinh Kỳ Ký Thắng (tác giả Dương Sỹ Kỳ) đời Minh có ghi thuật công trình kiến trúc quần thể cung điện hoàng đế ở thủ đô Bắc Kinh, đặc biệt ca ngợi biệt tài của Nguyễn An trong công trình tu tạo Cố cung.
Tuần san Sử Địa Cái Thế xuất bản ở Thiên Tân, số đề ngày 11 tháng 11 năm 1947, sử gia lừng danh của Trung Hoa là Trương Tú Dân đã đặc biệt viết nhiều bài ghi ơn công lao của Nguyễn An, trong đó chủ yếu nhắc nhở: “Dân thành Bắc Kinh ngày nay nên kỷ niệm Nguyễn An, vị công trình sư đời nhà Minh, người An Nam.”
Trong bộ sử The Cambridge History of China, phần sử nhà Minh, có ghi lại nhiều chi tiết về việc kiến trúc thành Bắc Kinh, trong đó còn có chú thích Nguyễn An (Juan An - mất năm 1453) bằng chữ Nho nữa. Chúng tôi lược dịch một phần nói về vai trò của kiến trúc sư trưởng Nguyễn An như sau: “... Công trình xây dựng thành đô Bắc Kinh đòi hỏi sự động viên một lực lượng đông đảo thợ giỏi về thủ công và lao động, thường được lấy từ những đơn vị quân binh hoặc những tội phạm khó trị bị kết án khổ sai, cũng như việc trưng dụng vật liệu xây cất từ khắp nơi trong nước, kể cả những nơi xa xôi như An Nam vừa mới được sát nhập. Số lượng nhân công không biết đích xác, nhưng ước lượng phải lên tới hàng trăm nghìn người. Kiến trúc sư trưởng là một thái giám người An Nam tên Nguyễn An (mất năm 1453), ông này cũng còn đóng vai trò quan trọng trong công trình tái thiết Bắc Kinh sau đó dưới thời vủa Anh Tông.”
Theo tài liệu biên khảo của các nhà nghiên cứu lịch sử Đài Loan, tổng kiến trúc sư Nguyễn An đã chỉ huy lực lượng cả triệu nhân công thực hiện công trình xây cất suốt 17 năm. Phí tổn về nhân lực và vật liệu thật lớn lao. Trong số những nhân công này có cả 7 ngàn người Việt Nam.
Một số tài liệu khác được biết thêm: Nguyễn An sinh năm 1381 (Tân Dậu) và mất năm 1453 (Quí Dậu), thọ 72 tuổi. Là kiến trúc sư đời Trần Thuận Tông, bị sứ Tầu bắt (người tài) đem về thiến để dùng làm hoạn quan.
 
IV. CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC BẮC KINH:
Kiến trúc sư trưởng Nguyễn An hoạch định việc xây dựng Bắc Kinh gồm 1 vòng thành hình chữ nhật bao quanh cả kinh thành, về hướng Bắc thu nhỏ hơn đại đô 2 km, trái lại về phía Nam thì rộng hơn 1/2 km. Toàn thành có 9 cổng, có 3 lớp vòng thành (tam trùng thành quách).
So với Nam Kinh và các kinh thành trước đó của Tầu, hình dáng của Bắc Kinh biến từ vuông vức ra chữ nhật (biến dạng). Sự thay đổi này được đánh giá là do người vẽ kiểu (Nguyễn An) chịu ảnh hưởng tất nhiên của kiến trúc Việt Nam (từ thành Cổ Loa, được xây vào thời An Dương Vương (257-207 trước Công nguyên), có 3 vòng thành).
Một số ghi nhận: Thời Ân Thương, An Ấp là kinh thành (còn gọi là An Dương, nay thuộc Hà Nam), Cảo Kinh đời Chu, Hàm Dương đời Tần, Nam Kinh đầu triều Minh đều được xây bọc quanh bằng 1 hoặc 2 lớp vòng thành. Đến các thời sau kế tiếp, quy hoạch của kinh thành Tầu dựa theo nguyên tắc “tiền triều, hậu thị” (cung điện triều đình phía trước, chợ búa phía sau), thuờng cấu trúc hình vuông.
Công trình kiến trúc đô thành Bắc Kinh được tiến hành như sau:
  • Năm 1404, xây thành quách bao quanh Hoàng thành và Đại nội, mở ra 4 cửa: Ngọ môn, cửa chính ở mặt thành Nam, Thần Vũ môn ở phía Bắc, Đông Hòa môn và Tây Hòa môn 2 hai bên. Phía trong Ngọ môn lát đá một quảng rộng hình vuông, giữa đào một con sông uốn khúc (sông Kim Thủy), trên có 5 cây cầu bắc qua đều mang tên chung là Kim Thủy Kiều.
     
  • Từ năm 1406 đến 1420, kiến trúc đại nội gồm cung điện, nghi môn, đường sá, sân, vườn hoa, cung thất.
Hoàng cung hay Cố cung được khởi công vào 1406 và trùng tu vào thế kỷ 16, 17 và 19. Các hoàng gia 2 triều Minh Thanh thay phiên nhau trú ngụ tại đây cho đến năm 1924. Khu này nay là Bảo tàng viện quốc gia.
Tử Cấm Thành được xây theo hình chữ nhật, diện tích 720 ngàn mét vuông, được bao quanh bằng 1 bức tường cao 7 mét và 1 hào rộng. Đông Hòa và Tây Hòa môn gồm 3 cửa 4 vòng cung, nhưng nằm lệch sâu xuống phía Nam, mở lối cho bá quan văn võ vào cung điện hành lễ. Bốn góc kinh thành đều có xây vọng lâu, nơi các đội ngự tiền thị vệ trú đóng, canh gác. Thiên An môn có một quãng sân dài, nơi thường được dùng làm nơi thao diễn hay duyệt binh (Trung Cộng nay vẫn dùng Thiên An môn). Đoan môn phân đôi sân rộng thênh thang này thành 2 phần không đều nhau: ngoài hẹp hơn, phần rộng nằm bên trong kéo dài tới Ngọ môn, cổng chính của kinh thành.
Dĩ nhiên cổng này được xây công phu nhất gồm 3 lâu thành kết hợp lại theo hình chữ U, bắc qua hào nước rộng. Như vậy ngoài lâu thành ở giữa xây 9 gian và nóc 2 mái chồng lợp bằng ngói tráng men vàng như các cổng khác, Ngọ môn cũng có cột, vách gỗ, cửa sơn son, đà son xanh vàng tím. Ngọ môn còn được thêm 4 vọng lâu hình vuông nằm ở 2 đầu cánh chữ U, nối nhau bằng dãy trụ lợp một mái. Sân trước Ngọ môn rộng 600 mét. Đây là Đại Nội, có tường xây thấp chỉ 2 mét. Giữa sân Đại Nội lát đá là Kim Thủy hà uốn khúc ngăn đôi, hai vách bờ được cẩn đá hoa. Muốn qua lại, phải dùng các Kim Thủy Kiều. Những chiếc cầu ở giữa dẫn vào chính lộ đưa thẳng đến cầu thang lên sân thượng Thái Hòa môn. Đây là nơi chỉ dành cho hoàng để sử dụng. Các cầu hai bên cho các quan văn võ (theo thứ bậc). Tả hữu đôi bên được đóng lại bằng 2 dãy trụ chỉ chừa 2 của Đông, Tây mở ra Thái Miếu. (Thái Miếu phía Đông cũng được Minh Thành Tổ giao cho Nguyễn An xây dựng vào năm cuối đời của ông). Trước cổng Thái Hòa có 2 tượng lân lớn, ngồi trên 2 bệ đá, lâu nay vốn được xem là biểu tượng cho Tử Cấm Thành. (Lân đực đạp 1 chân lên cái banh tròn tượng trưng cho uy quyền nhà vua bao trùm hoàn vũ. Lân cái đạp 1 chân lên lân con tượng trưng cho quyền cai quản tam cung lục viện. Từ biểu tượng này, các nhà bói toán Tầu ứng dụng vào dân gian, biến thành biểu tượng trừ tà, yểm quỷ còn phổ biến cho đến ngày nay).
Tử Cấm Thành có 3 cầu thang dẫn lên cầu cung môn hai mái chồng lên 9 gian, mà gian giữa rộng nhất. Từ đây giăng ra bên 2 dãy trụ dài đến 2 vọng lâu. Cầu thang giữa tuy cũng mở rộng hơn cho tương xứng với gian giữa nhưng lại được phân ra 2 bên xây các các bậc thang chỉ vừa đủ chỗ cho các phu khiêng kiệu (vua) đi, chừa hết bề rộng còn lại để cẩn nguyên tảng cẩm thạch trắng chạm rồng  mây, dựng thành thang xiêng, để xa giá của nhà vua lên xuống. Từ đây vào Đại Nội, tất cả các nghi môn, cung điện chính đều được thực hiện 3 cầu thang lên xuống tạo thành Long đạo  (lối đi dành riêng cho nhà vua) lát Hán bạch ngọc, băng qua các sân, xuyên suốt Cố Cung, nằm trên trục chính Bắc Nam của Tử Cấm Thành.
Đại Nội được chia làm 2: phía Nam gọi là Triều Ngoại dùng làm nơi tiếp xúc với bên ngoài (còn gọi là Tiền Triều), phía Bắc nằm bên trong dành riêng cho hoàng gia, quen gọi là Nội Đình (cũng còn được gọi là Hướng Đình).
Triều Ngoại gồm 3 điện lớn nhất, xây trên 3 tầng sân thượng với những lan can lát Hán bạch ngọc. 3 điện này thời Minh mang tên: Phụng Thiên, Hòa Khải và Cần Thân. Thời Thanh đổi thành: Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa.
Sân bao quanh khu Triều Ngoại được lát bằng 15 tầng gạch đá xếp chéo nhau, trên cùng là đá trắng nổi tiếng của xứ Yên Sơn được cắt thành hình chữ nhật. Cả 3 sân của 3 điện này không có 1 bóng cây vì sợ thích khách lợi dụng tàng cây để ám hại nhà vua. Sân triều giữa Thái Hòa môn Thái Hòa điện rộng tới 180 mét. Vào những ngày lễ lớn hoặc lúc vua lâm triều, bá quan văn võ đứng xếp hàng sẵn thành 18 nhóm, tùy theo phẩm trật: nhất phẩm ở trong cùng, cửu phẩm ngoài bìa.
Thái Hòa điện xây trên 3 tầng sân thượng, được cẩn và dựng lan can chạm trổ bằng loại Hán bạch ngọc loại tốt nhất và lợp 2 tầng mái bằng ngói lưu ly tráng men nhũ vàng. Đây là cung điện cao rộng nhất của Tầu, được xây 1 tầng mái ngói và 2 tầng nóc, chỉ có vua mới được ở, dân quan chỉ được phép xây nhà cửa, dinh thự gồm 1 tầng nền, 1 tầng mái mà thôi. (Triều đình lại còn quy định dân thường được cất tối đa 3 gian, quan lại thì 5 gian. Bậc vương hầu, thừa tướng mới được 7 gian). Ngay gian giữa của điện, hơi lùi vào bên trong 1 tí, có 6 cây cột lớn thếp vàng, chạm rồng nổi quấn quanh chầu ngai vàng của nhà vua. Ngai vàng được làm bằng gỗ quý sơn mài mạ vàng, trang hoàng 9 con rồng chạm thật lộng lẫy để trên 2 lần sập: sập nhỏ thếp vàng để ngay giữa sập lớn bảy bậc trải thảm, ngụ ý cho đủ cửu trùng (9 bậc). Phía sau ngai vàng dựng 9 bức bình phong chạm rồng ghép lại tạo thế như ôm đỡ ngai vàng đúng theo thế “Cửu long hộ thể”. Hai bên còn chưng tượng hạc chầu, voi mang độc bình. Trước mặt chưng 4 lư hương lam ngọc kê trên đôn gỗ 5 chân chạm trổ, đặt giữa 2 lan can, để phân các bậc thang ra làm 3, phần rộng nhất ở giữa dành cho nhà vua, hai bên hẹp dành cho thái giám hay cận thần lên xuống. Tượng hạc, voi, độc bình, lư hương tượng trưng cho trường thọ và phúc lộc may mắn. Trên ngai vàng có gắn minh kính, phản chiếu toàn bộ ngai vàng, tượng trưng cho quang minh chính đại. Từ Minh Thành Tổ đến Phổ Nghi cuối đời Thanh, các vua thiết triều và cử hành đại lễ tại Thái Hòa điện.
Trung Hòa điện nằm trên khoảng hẹp ở giữa nền sân thượng 3 tầng, chỉ lợp 1 lớp mái như tòa điện trung gian nối liền hai đại điện nằm trước và sau. Nội điện cũng đặt ngai vàng nhưng đơn giản hơn. Nơi đây dùng để vua tiếp sứ các nước và các quan đại thần. Trung Hòa điện cũng là nơi nhà vua nghỉ giải lao, thay y phục mỗi khi ra vào Thái miếu cúng các bậc tiên vương. Sân trước Trung Hòa điện còn được dùng làm nơi các quan chức đặc trách việc nông tang chưng các nông cụ cũng như hạt giống vào mỗi đầu mùa.
Bảo Hòa điện giống Thái Hòa điện hơn. Nơi đây cũng có ngai vàng sơ sài, được dùng để nhà vua bày tiệc đãi quốc vương các nước chư hầu, sứ giả, các vị hoàng thân quốc thích và văn võ quần thần. Đến đời Thanh, Bảo Hòa điện còn được dùng làm nơi mở các cuộc thi tuyển chọn quan chức để sung vào viện Hàn Lâm.
Nội Đình cũng có 3 cung điện nằm trên trục chính được thiết kế tương tự như 3 tòa đại điện ở Triều Ngoại nhưng kích thước nhỏ hơn và chỉ được xây trên 1 tầng sân thượng, nằm gọn lọt vào phía sau 1 sân vuông hẹp hơn sân trước. Các dãy trụ lang bao quanh 4 mặt sân với cổng lớn ở hướng Nam, 3 cổng nhỏ ở các mặt Đông Tây và 2 cửa phụ thông qua lục viện ở hai bên. Sau khu này là lối thông vào vườn thượng uyển. Bước trên những bậc thang của điện Thái Hòa, đi dọc xuống 2 bên thang xiêng dành cho kiệu vua di chuyển, thưc hiện bằng nguyên tảng Hán bạch thạch có chạm ngũ long tranh châu uốn khúc trong các đám mây. Tiếp tục đi qua sân đá hẹp, trải rộng theo chiều ngang, ngăn 2 khu Triều Ngoại và Nội Đình, bước lên sân thượng để vào cổng chính: Càn Thanh môn với 2 dãy tường dày mầu đỏ tía, dưới có đế, trên lợp mái ngói vàng. Qua cửa Càn Thanh này là 3 tòa hậu điện xếp thành hàng chữ nhất: Càn Thanh cung là tẩm cung của các hoàng đế triều Minh và các vua Thuận Trị triều Thanh.
Trên đây là một số tài liệu sưu tầm và tổng hợp nhằm soi sáng một công trình kiến trúc mà bấy lâu nay bị bụi thời gian phủ kín.
Đặc biệt bài viết này được nhiều thân hữu yêu cầu để phần nào trả lời cho luận điệu thưc dân văn hóa Tầu cho rằng người Việt Nam không có kiến trúc riêng mà chỉ “bắt chước” Tầu mà thôi.
LÊ THANH HOA
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
·         Đại Việt Sử Ký Toàn Thư.
·         Khâm Định Việt Sừ Thông Giám Cương Mục.
·         Minh Sử.
·         The Cambridge History of China (Vol. VII).
·         National Geographic Magazine.
·         Trung Quốc Lịch Triều Hoàng Cung Sinh Hoạt Thư.
·         Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam.
·         Báo Văn Nghệ Tiền Phong (Hoa Kỳ).
·         Báo Viên Giác (Đức quốc).
·         Một số tài liệu của Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Việt Nam (Nhân Ái Foundation, Thư Viện Việt Nam, Nam California, Hoa Kỳ).
·         Lịch Sử Kiến Trúc Việt Nam.
Kiến Trúc Truyền Thống Việt Nam (Giáo sư Kiêm Đạt, Hoa Kỳ 2000).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét