Thứ Hai, 28 tháng 5, 2012

Nhận diện thành phố Quảng Châu hôm nay, nơi cố đô Phiên Ngung nước Nam Việt ngày xưa


* TRƯƠNG QUANG

Chuyến bay nội địa Trung Hoa rời phi trường Hoàng Châu, vượt 2230 Km trong 1 giờ 40 phút, đưa đoàn du lịch 26 người bước xuống phi cảng Bạch Vân của thành phố Quảng Châu giữa trưa ngày 24/01/2003.
Phi cảng quốc tế Bạch Vân (Baiyun) vốn đã lớn rộng, trước mắt chúng tôi con đường xây cất và giải tỏa ngoại vi trong kế hoạch phát triển thành sân bay hiện đại nhất của Trung Quốc vào tháng 10/2003. Đến hôm nay, nếu so sánh với các phi cảng quốc tế trong vùng Đông Nam Á về số lượng hành khách và số lần tiếp nhận phi cơ quốc tế thì phi cảng Bạch Vân khấm khá hơn các phi cảng Pudoug (ở Thượng Hải), Kuala Lumpur (Malaisia) và Tân Sơn Nhất (Việt Nam); tương đương với các phi cảng Inchon (ỏ Hán Thành), Narita (Nhật Bản), Hồng Kông International Airport và Don Muang ( Bangkok), nhưng khó có thể bắt kip phi cảng Changi ở Singapore cả về phẩm và lượng (CT: Changi là sân bay sạch, đẹp và an ninh nhất thế giới, mỗi năm tiếp nhận 40 triệu hành khách, nơi hạ cánh của 60 hảng hàng không, có đường bay tới 146 địa điểm trên hoàn vũ). Phi cảng Bạch Vân đã từng tiếp đón đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 9 vào năm 2000.

Đi tham quan, dù rất ít ỏi, những di tích và thắng cảnh trên một đất nước rộng đến 10 triệu cây số vuông, buộc chúng tôi phải tính toán thời gian và phương tiện di chuyển thật khít khao. Tuần trước, trên đường dài 1850 km từ Bắc Kinh đi Thượng Hải, chúng tôi lợi dụng chuyến tàu lửa ban đêm để được ngon giấc trên toa giường trên lộ trình 14 giờ. Tuần này, chỉ vợ tôi và tôi lợi dụng những giờ tự do mua sắm riêng và giờ ăn cơm chung ở nhà hàng để đến viếng những nơi không ghi trong lịch trình du lịch, như nhà kỷ niệm Tôn Văn, mộ phần Phạm Hồng Thái và viện Bảo tàng lăng mộ Nam Việt Vương, sau khi đã điều nghiên trên bản đồ và tư liệu. Chủ đích của người viết là quảng bá 2 di tích lịch sử Việt Nam tại nước ngoài.
Thành phố Quảng Châu là thủ phủ tỉnh Quảng Đông, là cửa ngõ lớn của miền Hoa nam, có đường biên giới chung với miền Bắc Việt Nam. Diện tích T.p. Quảng Châu là 7.435km², chia thành 8 khu 8 huyện với dân số 6.580.000 người. Đây là thành phố có nhiều Hoa kiều đang lập nghiệp khắp nơi trên thế giới.
Quảng Châu thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như khí hậu Việt Nam. Nhiệt độ bình quân cả năm 21°7C (tức 69°F), mùa hè có gió mát, mùa đông không quá lạnh. Địa thế thấp dần về tây-nam, bắc nhiều núi non, đông là thung lũng và những dải đồi thấp, nam là đồng bằng phù sa của châu Tam giác sông Châu giang.
Thành phố Quảng Châu đã có 3000 năm lịch sử với tên gọi đầu tiên là Phiên Ngung. Khi nhà Tần khống chế được dân Bách Việt trên địa bàn miền Nam Việt bèn lập Phiên Ngung làm lỵ sở vùng Lĩnh Nam. Sang đầu nhà Hán, Triệu Đà cắt cứ vùng Lĩnh Nam đặt tên nước là Nam Việt, đóng đô tại Phiên Ngung mang tên là thành Việt. Đến thời Tam quốc, nước Ngô bá chiếm vùng Lĩnh Nam, lập quận Giao Châu. Nước Ngô tu sửa thành Việt ở Phiên Ngung, dời thủ phủ của châu từ huyện Quảng Tín về Phiên Ngung. Từ đó Phiên Ngung có tên là Quảng Châu.
Thời cổ, Quảng Châu còn có những tên khác như Sử Sở đình (tức trung tâm quyền lực của nước Sở), Dương thành ( tức thành phố con dê). Nguyên do từ chuyện thần thoại có 5 thần nhân bận y phục ngũ sắc mỗi vị một màu, cưỡi trên 5 con dê màu lông khác nhau, mang theo ống sáo có chứa 6 loại ngũ cốc và hoa quả, đem lại cho dân chúng trong vùng những mùa luá bội thu và hoa quả phong phú. Ngày nay, để cầu mong sự sung túc như thần nhân đã ban ơn phước, nên trong công viên Việt tú xinh đẹp có tượng 5 con dê rất vĩ đại, là biểu tượng cho thành phố Quảng Châu. Ở một cảnh trí khác gần tượng 5 con dê là một bức bích họa về sinh hoạt nông trang với vũ hội ngày được mùa, được chạm trổ trên bức tường đá dài hàng trăm mét bên vách núi. Hôm ấy, cô hướng dẫn viên đã chỉ lên giỏ trái vải trong hoạt cảnh trên đá và diễn ngâm 2 câu thơ (có mấy ai nghe được tiếng quang thoại?), tôi phải yêu cầu cô viết ra Hán tự, xin ghi phiên âm và tạm dịch:
Nhất kỵ hồng trần phi tử tiếu
Vô nhân tri thị lệ chi lai.
(Bụi cuốn dặm nghìn, cười nụ vương phi,
Nào ai hay kỵ mã hiến lệ chi)
Hai câu thơ không chỉ nhắc đến trái vải ngon ngọt của Hoa nam mà còn nhắc laị xì căng đăng” nơi cung điện dẫn đến biến loạn thảm khốc. Tướng An Lộc Sơn phi ngựa ngày đêm bụi lốc, mang trái lệ chi vào cung hiến dâng cho Dương Quí Phi là bà mẹ nuôi mà ông từng yêu trộm. Đến năm 755, quan Tiết độ sứ An lộc Sơn làm phản, chiếm Lạc Dương rồi tiến chiếm kinh đô Trường An để chiếm lấy Dương Quí Phi. Vua Đường Huyền Tôn đã quá mê say nàng, bỏ kinh thành đem nàng theo, chạy vào đất Thục. Chạy đến Mã Ngôi, tướng sĩ ép vua phải xử thắt cổ giết Dương Quí Phi xong, mới tiếp tục chạy loạn.
Bốn loại hoa quả ngon nổi tiếng vùng Lĩnh nam gồm: vải, cam, dứa, chuối tiêu. Ngoài ra, nơi đây còn là quê hương đu đủ, nhãn, khế quýt. Hoa tươi, rau xanh, thủy sản phẩm của Quảng Châu được bán rộng rãi trên toàn quốc và xuất khẩu.
Quảng Châu còn có tên là “thành phố HOA”, ở đây có hơn 60 giống hoa, từ hoa hồng, kim cát, dạ hương, mễ lan... nở rộ cả bốn mùa nhờ khí hậu thích hợp. Mộc miên được goị là “thị hoa” của thành phố Quảng Châu. Hàng năm, cứ đến mùa Xuân, du khách trên thế giới lại nghĩ về “thành phố HOA” như một điểm hẹn đầu tiên.
Ngày nay, Quảng Châu là thành phố du lịch nổi tiếng, có nhiều khách sạn 5 sao đúng tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi lưu ngụ tại khách sạn Lido hotel (âm Việt đọc là Lạc đô) hạng 3 sao với 30 tầng, tại số 182 đường Bắc kinh, cũng đã thấy tiện nghi và lịch sự lắm rồi! Tất cả các đểm tham quan đều có bán vé vào cửa cho du khách. Những khu vực cảnh trí ngoạn mục đáng kể như Bạch vân sơn la cương, Liên hoa sơn (núi hoa sen), suối nước nóng Tùng hoa... Nhất là Dương thành bát cảnh được xây dựng từ thời Tống. Năm 1986 Dương thành bát cảnh được bình chọn là thắng cảnh quốc gia với lời giới thiệu: “Mây núi như giải lụa gấm, nước xanh trong như pha lê, sóng lấp lánh dưới ánh mặt trời, động như rồng, rừng như ngọc, lầu đài nguy nga. Mỗi cảnh mộ tên như Hồng lĩnh nhật xuất, Hoàng hoa hào khí, Lưu hoa vương vũ, Hoàng phố vân tường”
Về ẩm thực, Quảng Châu đã sớm nổi tiếng về cách ăn ngon, rất được ưa chuộng ở trong và ngoài nước. Món ăn Quảng Châu là đại biểu cho món ăn Việt, là 1 trong 8 vùng có nghệ thuật ẩm thực đặc sắc. Nguyên liệu trong món ăn chính là ngũ cốc, hoa quả với các loại rau và cá thịt tươi mới, phải quen chọn lựa về phẩm chất hơi cầu kỳ. Phối liệu và gia vị tinh tế cho hương vị thơm ngon, mềm dẻo, giòn, có chút cay với cách trình bày vào bát đĩa và đặc biệt trên bàn khéo léo, làm cho món ăn Quảng Châu mang đầy đủ ý thơ nét họa, thể hiện rõ bản sắc và phong vị của văn hóa Lĩnh nam.
Địa lý thiên nhiên của Quảng Châu khá thuận lợi. Đây là thành phố hải cảng kiêm giang cảng vì vừa nằm gần bờ biển Nam hải, vừa là nơi hội tựu của 3 con song Bắc giang, Đông giang và Tây giang cùng chảy ra cửa biển Hổ môn (sông Tây giang có 2 phụ lưu là sông Bằng giang và sông Kỳ cùng chảy qua 2 tỉnh Cao bằng và Lạng sơn nước ta).
Sông Châu giang là con sông lớn thứ tư ở Trung quốc, chảy xuyên qua thành phố Quảng Châu, có nơi tạo ra vùng nước mênh mông như biển hồ. Đây là nơi liệt sĩ Phạm Hồng Thái của Việt Nam đã từ trần sau khi thực hiện sứ mạng cứu quốc. Có đến 11 cây cầu và 2 đường hầm nối liền đôi bờ Châu giang trong nội thành Quảng Châu. Ban đêm, đi du thuyền trên sông Châu giang như lạc vào thế giới kỳ ảo: gió mơn man theo tiếng sóng vỗ rì rào, trăng sao trên trời rơi đáy nước, đèn sáng lung linh muôn màu trong trong tán cây lá ven bờ, trên cao ốc và chuyển động trên đường.
Đường phố Quảng Châu rộng rãi, hiếm khi bị kẹt xe tắc nghẻn lưu thông, có nhiều công viên và nhiều cây xanh tạo nên sự thoáng mát. Số lượng xe ô tồ bằng ngang với số lượng xe đạp lưu hành đồng thời trên đường, trong đó số lượng xe taxi khá lớn, được xem là phương tiện di chuyển của thị dân và du khách. Quảng Châu là lò sản xuát xe gắn máy 2 bánh đời mới, xuất cảng hàng triệu chiếc mỗi năm ra các nước lân cận., nhưng chính nơi đây lại ít xe gắn máy, là điều đáng ngạc nhiên.
Quảng Châu mở cửa giao lưu với ngoại quốc từ thời Trung cổ dưới triều đại Tần, Hán đã rất phồn thịnh. Đặc sản qui hiếm vùng nhiệt đới như ngà voi, tê giác, đồi mồi, châu ngọc, nhiều loại trái cây, nhất là lúa gạo từng nổi tiếng trên thị trường đa quốc gia. Thời Tần đã có tuyến đường biển Quảng Châu chạy thẳng đến vùng Đông nam Á và cả Nam Á. Đời Đường, giao thông và mậu dịch đối ngoại của Quảng Châu đã phát triển mạnh mẽ, trở thành thương cảng lớn nhất, là điểm xuất phát tuyến đường tơ lụa trên biển của Trung quốc.
Dưới chế độ cộng hòa nhân dân Trung hoa, từ thời Mao trạch Đông theo chính sách kinh tế tập trung, đà phát triển bị đình đốn vì cung và cầu đều do Đảng cộng sản chỉ huy ở mục tiêu tự cấp tự túc, do đó ngành thủ công nghiệp và giao thông nội địa của Quảng Châu thay thế hẳn ngành ngoại thương. Từ năm 1979, dưới thời Đặng tiểu Bình theo chính sách kinh tế mở cửa, chính phủ Trung Hoa cho xây dựng ở tỉnh Quảng Đông 2 đặc khu kinh tế Thẩm quyến và Chu hải cùng với trung tâm mậu dịch đối ngoại của toàn quốc. Nhìn những thuận tiện địa lý, ai cũng nhận thấy toàn vùng đặc khu kinh tế hợp thành quần thể kinh tế mạnh nhất Trung hoa, bao gồm:
  Thành phố Chu hải nằm ở bờ tây Châu giang, phía đông cách Hồng kông 36 hải lý (đảo Quế sơn ở phía đông Chu hải chỉ cách Hồng kông 3 hải lý), phía nam giáp Ma cao, phía bắc giáp tam giác Châu giang phì nhiêu quay mặt ra Nam Hải.
            Thành phố Thẩm quyến nằm phía nam tỉnh Qủang đông, phía đông giáp vịnh Đại á, phía tây liền với cửa sông Châu giang, phía bắc giáp thành phố Đông hoàn huyện Huệ dương, phía nam cách Cửu long, Tân giới của Hồng kông một con sông.
    Hồng kông (chữ Hán Việt là Hương cảng) đã thâu hồi chủ quyền từ người Anh ngày 1-7-1997 và thiết lập khu hành chánh đặc biệt, được giữ nguyên chế độ chính trị cũ. Hồng kông là thành phố công thương nghiệp hiện đại, nằm ở bờ biển đông nam tỉnh Quảng đông, ngay phía đông cửa sông Châu giang.
  • Ma cao được thu hồi chủ quyền từ Bồ đào Nha ngày 20-12-1999 và được thiết lập khu hành chánh đặc biệt thuộc quyền quản lý của chính phủ trung ương. Ma cao nằm phía tây nam cửa sông Châu Giang. Thời cổ Ma Cao có tên là Hào Kính Áo, từ Hán Việt gọi là Áo môn.
Năm 1982, Quảng Châu được Quốc hội Trung hoa phê chuẩn là 1 trong 24 thành phố lịch sử văn hóa, và tháng 3 năm 1984 có tên trong 14 thành phố mở cửa ven biển. Do vị trí địa lý được thiên nhiên ưu đãi, nên hiện nay thành phố Quảng Châu có vốn đầu tư nước ngoài đứng đầu Trung quốc. Hầu hết các ngành công nghiệp đều có liên doanh với nước ngoài, đã đưa nền công nghiệp nhẹ làm chủ thể, phát triển lên thành công nghiệp cơ khí toàn diện. Quảng Châu nghiễm nhiên trở thành trung tâm công nghiệp miền Hoa nam với 10 ngành công ngiệp kỹ nghệ tiên tiến: ngành chế tạo thiết bị giao thông vận tải, ngành chế tạo vật dụng điện khí laser, ngành chế tạo thiết bị điện tử thông tin, các cơ xưởng sản xuất ô tô, máy móc, nguyên liệu và sản phẩm hóa học, các khu chế xuất y dược, thực phẩm, may mặc, chế phẩm cao su, plastic...
Quảng Châu vốn là thành phố thương mại tổng hợp với nền kinh tế thị trường rất sôi động, những năm gần đây đã hình thành nhiều khu phố thương nghiệp đa dạng rất đặc sắc như ở đường Giáo dục, đường Tây hồ, Hoàng cương, phố lớn Sa há... chuyên doanh những mặt hàng thời trang, bách hóa. Trên đường Trường thọ và phố Tân thắng có rất nhiều cửa hàng vàng bạc, đá quí, đồ trang sức. Nếu muốn mua đồ sành sứ, hoa tươi... thì đến đường khởi nghĩa, đường Đại nam. Trong những ngày và đêm gần đến tết Nguyên đán năm Quí mùi (năm 20030, suốt đại lộ Bắc kinh biến thành chợ Tết sầm uất với muôn vẽ muôn màu ngay trên mặt đường, đủ mọi hoa quả cây cảnh, pháo tràng liên đối, bánh mứt cầu kỳ... Ngay đến các siêu thị nhiều tầng ở hai bên đường cũng đầy ắp y phục thời trang, hàng trang trí nội thất, hàng tiêu dùng cao cấp... Cùng lúc ấy, không ít người nhớn nhác bày mấy món hàng trên tấm bao tải ở lề đường mời mọc người mua. Khi cảnh vệ đến, họ tóm gọn cả vào bao, lẩn vào đám đông rồi lại bày bán hàng ở lề đường nơi khác. Đó là một kiểu chợ Tết Quảng Châu, cùng lò với kiểu Chợ lớn, Việt Nam.
Cũng vào dịp này, tôi được chứng kiến cảnh dân chúng hàng hàng lớp lớp trên mấy dậm đường, kéo nhau về quảng trường nhà ga xe lửa Quảng Châu để chực mua vé, đáp tàu về quê ăn Tết. Tôi cảm thấy choáng ngợp trước rừng người, dù là một góc rất nhỏ trong số 1 tỷ 300 triệu của Trung hoa. Đặc biệt, trên nóc tòa nhà ga xe lửa, hai bên có 2 câu khẩu hiệu nổi rõ lên nền trời: “Thống nhất tổ quốc và chấn hưng Trung hoa”. Đây là 2 câu quyết tâm được dựng lên trước năm 1997, khi Trung quốc cổ vũ đòi lại chủ quyền ở nhượng địa Hồng kông.
Quảng Châu đã mở toang cánh cửa từng khép kín, không phân biệt: mèo đen mèo trắng”. Nơi đây là đầu mối giao thông trong cả 3 lãnh vực: đường thủy, đường bộ và đường hàng không của miền Hoa nam. Rất nhiều tuyến quốc lộ, liên tỉnh chia ra thành mạng mưới đường bộ về muôn ngả. Các tuyến đường sắt Bắc nam và chạy trực tiếp đến các thành phố lớn trên toàn quốc. Giao thông đường thủy trên sông đi thông suốt đến các bến cảng của các sông Đông giang, Bắc giang, lấy Châu giang làm thủy lộ chính yếu. Giao thông đường biển nối liền với 600 cảng lớn trên thế giới. Sân bay Bạch vân (đã đề cập ở đầu bài) sẽ trở tành sân bay quốc tế lớn nhất trong số những sân bay quốc tế của Trung Hoa. Quảng Châu còn có khu triển lãm hội chợ hàng hóa xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Từ xa xưa, nền văn hoa Lĩnh nam để lại cho Quảng Châu nét độc đáo với nhũng di tích lịch sử, văn vật cổ mang đậm bản sắc dân tộc như: chùa Quang hiếu là ngôi chùa phật giáo được xây dựng vào thời Đông Tấn, chùa Hoàn thánh và Tháp quang được xây dựng vào đời Đường là công trình theo thể kiến trúc của đạo Hồi. Quảng Châu là thành phố có lịch sử đấu tranh chống đế quốc và phong kiến còn được ghi như sau: nhà bia kỷ niệm nhân dân chống đế quốc Anh ở Tam nguyên lý, Hoàng hoa cương nơi vinh danh 72 liệt sĩ, nhà kỷ niệm Tôn Văn, di tích trường Võ bị Hoàng phố v..v.. Riêng về phần mộ liệt sĩ Phạm Hồng Thái và Bảo tàng viện Nam Việt vương, có liên hệ trực tiếp với Việt Nam sẽ được ghi nhận rõ ràng hơn. Quảng Châu là nơi dung trú các nhà cách mạng Việt Nam trong các phong trào Cần vương, Văn thân, Đông du còn lưu lại những cơ sở dùng làm lớp học hay trụ sở. Cụ Phan Bội Châu có thời hoạt động ở Quảng Châu dài nhất trong số những người yêu nước Việt Nam dừng chân lại thành phố này.
 Nhà kỷ niệm Tôn Văn
Bác sĩ Tôn Văn, hiệu Trung Sơn, người huyện Trung sơn, tỉnh Quảng đông, là thủ lãnh cách mạng dân chủ Trung hoa mà quốc dân tôn vinh là đấng từ phụ. Tôn chỉ vận động cách mạng cũa Tôn trung sơn là: khôi phục Trung Hoa, diệt trừ Mãn thanh, lập dân quốc, bình quân địa quyền. Thị xã Quảng Châu là mục tiêu thứ nhất trong chương trình hành động cách mạng nầy.
Sau cách mạng Tân hợi (1911), Tôn trung sơn nhận chức Đại Tổng Thống ở Nam kinh (tức Kim lăng, thuộc tỉnh Giang Tô) Từ 1911 đến 1949, Nam kinh là thủ đô chính của Quốc dân đảng. Ông mất tại Bắc kinh năm 1925, đến năm 1929 hài cốt được đưa về an táng tại núi Tử kim Đài kỷ niệm Tôn Văn hình chóp nhọn cao vút trên đỉnh núi *giống như Washington Momument ở thủ đô Mỹ quốc), có thể nhìn thấy từ nhiều ngõ đường trong Thành phố Quảng Châu. Ở chân núi phía nam Việt tú sơn có nhà kỷ niệm Tôn Văn nằm giữa khu vườn rất rộng, có nhiều hoa và cây xanh đẹp đẽ. Nhà kỷ niệm có 3 tầng theo dạng cổ lồng, nhiều mái cong mang nét cổ kính, vẻ hoành tráng giống nhau ở ba phía ra vào. Riêng phía chính diện có bức đại hoành phi “Thiên hạ vi công” và trước sân có pho tượng Tôn trung sơn đứng trên đài, bên dưới ghi tạc tiểu sử và công trạng.
 Hoàng hoa cương và bia mộ Phạm Hồng Thái
Hoàng hoa cương là nghĩa trang danh dự ở chân núi Bạch vân, TP Quảng Châu, nơi an giấc ngàn thu của 72 liệt sĩ Trung hoa đã anh dũng hy sinh trong cuộc Cách mạng lật đổ triều đình mục nát Mãn thanh, giành chủ quyền trong tay các đế quốc xâu xé Trung Hoa, đã xảy ra lúc 5 giờ chiều ngày 23-3 năm Tân hợi ( 27-4-1911).
Đứng trước cổng Hoàng hoa cương hùng vĩ mà tú lệ bằng đá xanh màu thạch ngọc, ai cũng nghiêng mình khâm phục. Bên trong là đài tưởng niệm uy nghi với bia đá vĩ đại mang dòng chữ “Thất thập nhị liệt sĩ chi mộ” theo chiều đứng và 4 chữ “Hạo khí trường tồn” chạy suốt những gian thờ phụng ở tầng thấp.
Trên chót cao của bức tường nơi hậu điện có tượng Nữ thần tự do đưa cao ngọn đuốc thiêng, giống như tượng Nữ thần tự do ở cửa biển New York (Hoa Kỳ). Khu vực Hoàng hoa cương rộng lớn, lối đi lát đá viền bồn hoa tươi thắm, lẩn khuất dưới rừng cây xanh là nbững ngôi mộ có ghi tiểu sử đứng cạnh pho tượng trầm mặc của một anh hùng đã hiến thân cho tổ quốc.
Trong cảnh ngoạn mục và thanh tịnh của Hoang hoa cương, tôi đã gặp nhiều vị cao niên tản bộ tập khí công và một nhóm nữ lưu đương tập thái cực quyền trên sân của nhà nghỉ mát. Cái vinh hạnh đối với tôi là đã đến thăm phần mộ Phạm Hồng Thái, người thanh niên ưu tú của Việt Nam đã an nghỉ trong Hoàng hoa cương, người duy nhất được tôn vinh nơi đất khách đã truyền lại cái hào khí lẫm liệt đến kẻ hậu sinh tha hương.
Phạm Hồng Thái tên thật là Phạm Thành Tích, bí danh Nho Tư, chào đời năm 1896 tại làng Ngọc điền (Nghệ Tỉnh) đã hy sinh vì tổ quốc tại Châu giang, TP Quảng Châu, lúc 30 tuổi.
Ông theo chí hứơng của cha (là quan Huấn đạo Phạm Thành Mỹ, có chân trong phong trào Cần vương kháng Pháp). Phạm Hồng Thái đã sớm hoạt động cách mạng, theo bước Đông du trong Việt Nam quang phục hội của chí sĩ Phan Bội Châu. Thực hành đường lối của Tâm tâm xã,, cảnh tỉnh đồng bào dưới ách nô lệ của thực dân Pháp, Phạm Hồng Thái theo dõi để ám sát Toàn quyền Martial Merlin từ Đông dương sang Nhât để điều đình trục xuất những nhà cách mạng Việt Nam, đồng thời ký một thương ước.
Phạm Hồng Thái đã bám sát phái đoàn Merlin từ Hồng kông đến Thượng hải rồi qua Hoành tân đất Nhật, nhưng chưa có cơ hội thuận tiện ra tay, Khi Merlin và đoàn tùy tùng trên đường về Hà Nội, ghé lại Quảng Châu đêm 18-6-1924 để dự tiệc tại nhà hàng Victoria ở Sa điện, Phạm Hồng Thái giả làm ký giả chụp hình lọt qua được hàng rào cảnh binh, vào trong khách sạn ném một quả bom tay vào giữa bàn tiệc làm một số người Pháp và quan khách chết ngay tại chỗ, riêng Toàn quyền Merlin chỉ bị thương nhẹ, thoát chết. Phạm Hồng Thái phóng ra ngoài, chạy về phía Tây hào khẩu, lính phòng vệ duổi theo rất ngặt lại gặp Châu giang chắn lối, ông liền nhảy xuống sông tự vận, quyết không chịu sa vào tay giặc. Pháp trả thù, vớt được xác Phạm Hồng Thái đem phơi bờ sông mấy ngày thì được một người Trung hoa nghĩa khí xin đem mai táng.
Tháng 3 năm 1925, tỉnh trưởng Quảng đông là Hồ hán Dân cho cải táng hài cốt Phạm Hồng Thái vào nghĩa trang danh dự Hòang hoa cương, trong lễ khánh thành để tưởng niệm người liệt sĩ xả thân vì tổ quốc có rất đông đảng viên Cách mạng Việt Nam qui tụ về và nhiều yếu nhân Trung hoa quốc dân đảng tham dự.
Nơi an nghỉ của vị anh hung Phạm Hồng Thái chiếm một diện tích khá rộng trong Hoang hoa cương, như 72 liệt sĩ khác. Còn đó, qua thời gian 80 năm qua vơi bao đổi thay lịch sử, vẫn là ngôi mộ vun cao viền cỏ xanh, ngay cạnh là đài kỷ niệm mang mấy hàng chữ mạ vàng ngời sáng, bên trên là chữ Quốc ngữ Việt Nam “Mộ Liệt sĩ Phạm Hồng Thái”, chữ Hán theo chiều đứng của đài: “Việt Nam Phạm Hồng Thái liệt sĩ chi mộ”. Sau lễ đài lát đá hoa cương, bên tả có bia đá cẩm thạch lớn bằng cánh cửa, ghi khắc chữ Hán như sau:
Việt Nam liệt sĩ mộ ký.
Phiên ngung, Hồ Yểm soạn thư.
Quân lúy Hồng Thái, Việt Nam Bắc kỳ nhân dã. Tiên thế nghiệp nho, Pháp nhân vong Việt Nam. Nhủng tập khoa cử chi, chế dĩ ngu dị nhân. Quân tu chỉ khử nhi tập công học, ký quan nhập mổ xưởng vi công nhân, trường để pháp luật chi hà bạo dữ pháp lại chi tứ tuy. Chiếp sinh phẩn khái, hội hưu chí giả tương dữ tổ chức chính đảng vi cách mạng vận động, yêu quân nhập đảng, quân tùng chi. Thời đảng nhân dân lưỡng phái. Nhất chủ vận động tam kỳ quân đội phản chí nhi trục Pháp nhân. Nhất chủ ám sát hẵn tướng khốc lai dĩ trừ dân hại. Quân ý dĩ vận động quân đội cố thuộc yếu đồ trạng cẩn vô tráng liệt chi cử tắc bất túc hàn địch nhân chi đảm nhi kích lệ quốc dân, ccá tả đản ám sát phái nhi mưu hữu dĩ thật hành yên. Pháp sứ Mã lan giả tương đạo xuất Nhật bản nhi vi Hồ Vi chi du . Quân văn chi tiêu kỳ hiệp thủ thương tạc đan đắc chi ư Đông kinh, Thượng hải gian dĩ trinh sứ nghiêm mật vô kích khả thừa, toại Phiên trạng lai Việt vi tối hậu chi cử, huynh tri Pháp nhân Mã lan vu Vực Đa lị lữ quán dã. Nại vị đồng chí mỗ quân viết: Sự tành dữ bất đồ bất khả kỳ trạng ngô thệ bất nhập vu Pháp nhân chi thủ, duy quân tu tương ngô đảng tông chỉ tuyên thị vu ngoại dị miễn Pháp nhân hữu sở ngộ hội tri cầu tắc đọat thị. Quân toại vu lục nguyệt thập cửu nhật, ngọ hậu bát thời vẵng phó vực đa lị lữ quán bài chúng nhập vu vũ đạo thất, đạn thương đồng phát, nhất thời nam nữ yểu tịch huyết đột mô hồ. Quân tiếu viết: Đại sự tất hỉ, ngô kỳ tử hồ. Nãi phó thủy tử. Việt nhân nghĩa chi, thân kỳ thi táng, chư nhị vọng cương chi nguyên mộ tây nam hướng cái dục sử quân chi linh do đắc quyến cố kỳ cố quốc, vân thị vi ký.
Trung hoa dân quốc thập tứ niên nhất nguyệt cốc đánh lập.
Dịch nghĩa:
Văn bia mộ liệt sĩ Việt Nam họ Phạm.
Hồ Yểm soạn, viết tại thành Phiên ngung.
Anh hiệu Hồng Thái, người Bắc Việt Nam. Đời trước (cha ông) theo Nho học. Người Pháp chiếm Việt Nam, vẫn duy trì khoa cử để chế ngự làm ngu dân. Anh hổ thẹn, bỏ học, theo công nghệ làm công nhân trong cơ xưởng. Anh luôn nhìn thấy sư hà khắc thô bạo của pháp luật và hà hiếp của quan lại người Pháp, sinh lòng phẩn nộ. Nhân găp các người có chí khí đang tổ chức chính đảng để vận động cách mạng, mời anh tham gia, anh liền theo. Lúc đó người trong đảng chia làm 2 phái: Một nhóm chủ trương ám sát tướng hung bạo, quan tham tàn để trừ hại cho dân. Anh có ý vận động quân đội trong nước để cử sự. Nhưng nếu không khởi động bằng sự việc mãnh liệt thì không đủ làm cho kẻ thù khiếp đảm và làm phấn chấn tinh thần quốc dân. Cho nên anh tán thàn h phái ám sát và thi hành mưu địch.
Thống sứ Toàn quyền Pháp là Mã lan giả (Merlin) sắp rời Nhật bản du hành sang Thượng hải. Anh nghe tin, trước hết vì nghĩa hiệp, anh tự mang súng và tạc đạn sang Đông kinh rồi Thượng hải. Vì sự canh phòng nghiêm mật không có cách gì hành động. Mãi khi Toàn quyền đến Quảng Châu (Phiên ngung) để trở lại Việt Nam, là cơ hội cuối cùng để cử sự. Được tin người Pháp sắp đãi tiệc Mã lan (merlin) ở khách sạn Vực đa lị (Victoria). Anh nói với người đồng chí: “Sự việc tới lúc phải đạt thành công, không thể trì hoãn. Tôi nguyện không để lọt vào tay người Pháp, xin anh tuyên thị tôn chỉ của đảng ta ra ngoài để người Pháp khỏi hiểu sai lầm mà xuống tay tàn sát bừa bãi.” Sau đó, vào ngày 19 tháng 6, lúc 8 giờ chiều tối, anh đến khách sạn Vực đa lị (Victoria) giả dạng vào được trong vũ trường, tung lựu đạn và bắn súng. Lúc đó nhiều người nam nữ chết ngay, máu chảy cùng khắp. Anh cười nói: “ Việc lớn đã thành tựu, ta chỉ còn cái chết mà thôi.” Sau đó anh đã trầm mình tự vận. Người Quảng đông cảm nghĩa khí, đem thay đi chôn, sau cải táng ở Hoàng hoa cương, hướng về Tây Nam, ý muốn cho linh hồn anh được nhìn về cố quốc. Nay tôi ghi lại nơi đây.
Trung hoa dân quốc năm thứ 14, tháng giêng, ngày tốt dựng lập bia.
 Lời người viết:
(1) Trương Quang thành kính cảm tạ Giáo sư Hòa thượng Thích trí Hoằng đã đọc lại bản chụp văn bia đính kèm, để bổ chính cho bản phiên âm và bản dịch trên đây tránh lỗi lầm,
(2) Một điểm sai khác giữa văn bia và tài liệu tôi tham khảo để viết về ngày tháng Phạm Hồng Thái ra tay ám sát Merlin, xin chờ quí vị lưu tâm chỉ giáo cho. Người đời thường ví anh hùng Phạm Hồng Thái ám sát quan đô hộ Merlin như tráng sĩ Kinh kha hành thích bạo chúa Tần thủy Hoàng, tuy công chưa thành nhưng danh lưu muôn thuở. Trong một tích tắc, Phạm Hồng Thái đưa hai tay bái vọng vĩnh biệt tổ quốc Việt Nam rồi nhảy xuống sông Châu giang, có khác Kinh kha vĩnh biệt nước Yên có Thái tử Đan và triều thần bận tang phục tiễn đưa, rồi vượt sông Dịch thủy không hề ngoái lại.
Một buổi sáng áp Tết Quí mùi (2003) tôi và người bạn Hoa kiều-Chợ lớn, nhìn dòng Châu giang lặng trôi trong sương khói, cùng mối đồng cảm nói trên, bất giác tôi đọc cho ông bạn nghe bài ngũ ngôn tuyệt cú của Lạc Tân vương (tôi xin đổi chữ Yên (Đan ra chữ Hương bang cho thích hợp đôi bên)
Thử địa bất tương bang,
Tráng sĩ phát xung quan.
Thích thì nhân dĩ một,
Kim nhật thủy do hàn.
Đất nầy từ biệt hương bang,
Tóc đầu dựng ngược, máu hờn nóng sôi.
Người xưa khuất bóng đi rồi,
Ngày nay còn thấy nước trôi lạnh lùng.
Trần Trọng Kim dịch
 Bảo tàng viện Nam Việt vương tại Quảng Châu
Người Việt nào đến thăm TP Quảng Châu cũng nhận biết sự gần gũi vể địa lý và nhân văn ở nơi đây với quê hương mình, nếu muốn tìm hiểu sâu xa về mối tương quan lịch sử thì bảo tàng viện Nam Việt vương là một minh chứng không thể chối cãi được.
Nước Nam Việt đóng đô tại Phiên ngung, là một nước độc lập với nhà Tây Hán ở phương bắc vào thời trung cổ, được viết trong Trung quốc sử lược của Phan Khoang và mấy dòng ngắn gọn trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim: ”Năm quí mùi (207 trước Tây lịch) Triệu Đà đánh được An Dương vương rồi sáp nhập nước Âu lạc vào quận Nam hải, tự xưng là Triệu vũ vương (sau đổi là Nam Việt vương) lập thành nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên ngung, gần thành Quảng Châu bây giờ.
Trong khi nhà Triệu gây dựng cơ nghiệp ở Nam Việt, thì ở bên Tàu, ông Lưu Bang trừ được nhà Tần, diệt được nhà Sở... Năm Canh ngọ (111 trước Tây lịch) vua Vũ Đế nhà Hán sai Lộ bác Đức và Dương Bộc sang đánh nhà Triệu, lấy nước Nam Việt, rồi cải là Giao chỉ bộ rồi chia làm 9 quận là: Thương ngô, Uất lâm (nay là Quảng tây), Nam hải, Hợp phố (nay là Quảng đông), Châu nhai, Đạm nhỉ (là đảo Hải nam), Giao chỉ, Cữu chân, Nhật nam (là Bắc Việt và mấy tỉnh Bắc Trung Việt của Việt Nam bây giờ)
Rõ ràng nước Nam Việt của người Bách Việt, có cương vực riêng, truyền được 5 đời vua Triệu mới bị nước Tàu thôn tính. Bởi lẽ đó, tiền nhân của nước Việt Nam đã đòi lại chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ít nhất 2 lần trong lịch sử:
• Năm Ất mão (1075) Lý Thường Kiệt sang vây đánh Hâm Châu và Liêm Châu (thuộc tỉnh Quảng đông). Đạo quân của Tôn Đản sang đánh Ung Châu (tức thành Nam nin h thược tỉnh Quảng tây). Năm 1076 quân ta phải rút về để đánh tan quân nhà Tống (có Chiêm thành và Chân lạp phối hợp) sang đánh nước ta.
  • Năm Nhâm tý (1792) vua Quang Trung sai sứ sang Tàu, xin cầu hôn và xin trả lại cho Việt Nam đất Lưỡng quảng. Vua Càn long trong thế yếu phải buộc lòng xin gã công chúa út cho vua Quang Trung và tặng tỉnh Quảng tây làm lễ cưới. Yêu sách trên là để thử, không ngờ trong năm ấy (1792) vua Quang Trung băng hà, việc đòi đất bỏ qua. Lịch sử đã đi qua 22 thế kỷ, nay Trung Quốc ở thế mạnh, họ không ngần ngại gì mà chẳng phơi bày sự thật nơi ngôi mộ Nam Việt vương ngay tại cố Phiên ngung, thành một bảo tàng viện để họ chứng minh là đất nước có nền văn minh lâu đời. Bảo tàng viện Nam Việt vương hiện tọa lạc trên diện tích rất rộng ở số 867 Jie Fanbei Road, TP Quảng Châu, chỉ cách bảo tàng viện Quảng Châu và công viên Việt tú một vài dậm đường. Trong quyển kỷ yếu có lời giới thiệu: “Lăng tẩm của Nam Việt vương được phát hiện năm 1983, là ngôi vương mộ lớn nhất thời Tây Hán chưa từng được biết đến ở miền Hoa nam. Có cả thẩy hơn một ngàn di vật được khai quật từ lăng mộ này, phản ảnh nhiều khía cạnh đủ các mặt chính trị, kinh tế và văn hóa của phương Nam Việt. Chính nơi đây là điểm nổi bật nhất trong hàng trăm đề mục khám phá khảo cổ học quan trọng ở Trung quốc trong thế kỷ 20, bởi vì ở mộ Nam Việt vương giúp cho hiểu biết được bí quyết, như chiếc chìa khóa, về cách bảo quản di hài được áp dụng trên toàn quốc lúc đương thời.
Bảo tàng viện lăng mộ Nam Việt vương (đồng thời với nhà Tây Hán) được khai trương năm 1988 chủ yếu nhằm phô bày vị trí chính của nhà mồ vua Nam Việt và những di vật rất khéo léo do bàn tay con người thời xưa tạo ra nên được đào lên tại đây”
Khu mộ Nam Việt vương đã được khai mở, nay được lập bằng nhà kính. Các tòa nhà và bãi đậu xe vây quanh 3 mặt lăng mộ, có 6 đại sảnh để trưng bày vô số di vật lấy lên từ ngôi mộ, được đặt trong lòng kính. Một đại sảnh trình chiếu video về quá khứ khai quật, về hình dung sinh hoạt cổ thơ một đại hội trường. Tôi may mắn được hướng dẫn viên của viện nói rành Anh ngữ đưa xuống hầm mộ nằm sâu trong lòng đất, qua các hành lang chìm, bước qua những cánh cổng nặng hàng chục tấn có chốt khóa bí hiểm, tất cả bằng đá tảng mặt phẳng, không lậu một giọt nước. Phòng nhà vua an giấc ngàn thu vẫn còn lại hàng quan tài thật lớn bằng đá quí, có lẽ dành cho cả hoàng hậu, vương phi. Lăng mộ như cung điện chứa bảo vật dưới lòng đất. Còn vô số di vật trưng bày trong tủ kính, từ triện vua bằng vàng đến các đồ trang sức thời cổ, các loại đồng tiền, các đồ dùng bằng đồng hay đất nung, các gối đầu hay ghế ngồi bằng sành sứ v..v.. Nhìn các loại binh khí thời xưa, tôi nhận biết rất nhiều mũi tên đồng, đầu mũi có ngạnh và một vài dụng cụ không rõ hình dạng nữa. Đây chắc chắn là những mũi tên đồng dùng nỏ ở Liên Châu làm theo đồ hình của Cao Lỗ bắn bằng máy đẩy mỗi lần 10 mũi, mà Triệu Đà học được nơi thành Cổ Loa. Huyền thoại thường nói đến Thần Rùa vàng giúp cho vua An Dương vương dựng được thành Cổ loa, và cho nhà vua móng chân để làm lẫy nỏ, phá tan được quân xâm lược. Sự thật thành Cổ Loa có 9 lớp xoáy trôn ốc, có 18 gò cao nhô ra chân lũy bố trí nỏ liên châu bắn xuống, khiến quân của Triều Đà vây thành khiếp đảm, tháo chạy. Thấy dùng binh thất bại, Triệu Đà dùng kế cho con là Trọng Thủy sang cưới Mị Châu là con gái Thục An Dương vương. Sống trong thành Cổ loa, Trọng Thỉ biết hết được sơ đồ phòng vệ thành, học được bí quyết làm nỏ liên châu, làm sai bậy một cơ phận trong lẫy nỏ ở Cổ loa thành.
Trọng Thủy về, giúp cho Triệu Đà nỏ liên châu và tin tức tình báo. Triệu Đà bèn khởi binh sang đánh Âu lạc. Thục An Dương vương cậy có “nỏ thần”, khi giặc đến chân thành thì nỏ thần đã vô dụng. Triệu Đà lấy được nước Âu lạc, đem sáp nhập vào quận Nam hải đổi tên nước là Nam Việt, đóng đô ở Phiên ngung, là TP Quảng Châu ngày nay. Bảo tàng viện lăng mộ Nam Việt vương nhà Triệu ngay giữa lòng thành phố Quảng Châu là bằng chứng hiển nhiên về văn hóa Việt từng phát triển rực rỡ tại nơi nầy và lãnh thổ của tổ tiên người Việt bao gồm cả tỉnhh Quảng đông, Quảng tây của Trung Quốc.
Từ ngàn xưa, cố đô Phiên ngung là cái nôi văn hóa của nước Nam Việt, lại ở vào địa lý thiên nhiên thuận lợi, đó là 2 điều cần thiết để thành phố Quảng Châu tiến lên nền công kỹ nghệ và giao thương tiên tiến như ngày nay.
TRƯƠNG QUANG
Connecticut, tháng 4 năm 2003

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét